Saturday, April 11, 2009

Bài toán ngược



Các thành viên trong nhóm nghiên cứu
chế tạo thiết bị kiểm tra chất lượng cầu
(TS Nhi ở giữa).
ND - Bài toán thuận là một dự án đã được xét duyệt và cấp kinh phí từ khảo sát thiết kế, thi công xây dựng đến nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng. Nhưng bên cạnh đó, đôi khi cũng tồn tại bài toán... ngược, khi tại sao có những công trình mới đưa vào sử dụng lại sớm hư hỏng như bị nghiêng, nứt, lún, v.v.

Vì vậy, thẩm định chất lượng công trình để dự báo các thiệt hại về người và của từ các tai nạn có thể sắp xảy ra ở các công trình đang sử dụng, chính là công việc giải bài toán ngược này, bài toán "nhạy cảm" mà các bên liên quan trong xây dựng thường muốn né tránh, đùn đẩy khi xảy ra sự cố công trình.

Gặp TS Ngô Kiều Nhi ngoài đời, nhiều người không khỏi bất ngờ khi được biết người phụ nữ vóc dáng nhỏ bé có chất giọng rất trẻ và nhỏ nhẹ, lôi cuốn này là một giáo sư - tiến sĩ có uy tín trong lĩnh vực cơ khí chế tạo máy của Việt Nam, một Nhà giáo Nhân dân. Chị cũng là người phụ nữ thứ 25 nhận giải thưởng Kovalepskaia, giải thưởng dành cho nhà khoa học nữ xuất sắc.


TS Ngô Kiều Nhi.


Ngô Kiều Nhi là chị cả trong nhà, nên từ nhỏ đã phải gánh vác công việc gia đình thay cho cha mẹ bận công tác nhà nước. Mái trường Chu Văn An nổi tiếng của Hà Nội là nơi chị bước vào cấp 3, là nơi tiễn chị sang Liên Xô cũ học đại học. Tại Liên Xô cũ, với thành tích học tập xuất sắc, cô được chọn làm nghiên cứu sinh, 29 tuổi đã về nước với học vị tiến sĩ ngành động lực học và sức bền.

Ðất nước thống nhất, chị là một trong những giáo viên đầu tiên từ Ðại học Bách khoa Hà Nội vào Ðại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh nhận công tác. Vừa giảng dạy đại học, chị vừa có nhiều đóng góp trong nghiên cứu khoa học (khoảng 25 đề tài khoa học) và xây dựng chương trình đào tạo cao học ngành chế tạo máy, ngành cơ khí kỹ thuật, dìu dắt nhiều nghiên cứu sinh trưởng thành. Với học hàm, học vị giáo sư - tiến sĩ chị liên tục giữ nhiều trọng trách tại Ðại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh và hiện là Trưởng phòng Thí nghiệm cơ học ứng dụng của trường.

Nhắc lại cuộc đời làm khoa học, chị tâm sự "34 tuổi, tôi mất đi người chồng thân yêu mới cưới nhau được một năm. Gọi là tuổi đời nhiều nhưng trường đời tôi còn ít lắm: đám cưới mới dự một lần, đám ma chưa bao giờ đi, chỉ lo học, học và học. Lúc đó tôi buồn, thấy sao mình bất hạnh, lúc nào cũng khóc dầm dề. Rồi một hôm, tôi đạp xe trên đường 3-2. Ðường vắng hoe, hai bên trống hoác không một bóng người. Tự nhiên tôi thấy một phụ nữ đi giữa lòng đường. Ðạp dấn lên tôi giật mình sửng sốt khi thấy phía trước chị ta là một đứa bé đang bò. Người đàn bà bị mù, chị ta cột một sợi dây vào gấu áo đứa bé, để nó bò đi đâu thì bước theo. Trời ơi, sao có những số phận còn khổ cực hơn mình đến vậy? Tôi chợt nghĩ, chỉ cách đây một thời gian ngắn thôi, mình vẫn thích mặc những chiếc áo mousseline mỏng, nền đen hoa đỏ, thích mỗi ngày thay một chiếc áo chất liệu sang,... Mình còn được thụ hưởng những điều kiện sống tốt, vẫn có nhu cầu ăn mặc, phấn đấu thi đua, đòi hỏi về danh dự... Nghĩa là chưa đến mức khổ cực, bi thảm... Vậy là tôi hết khóc.

Cuộc đời nhiều khi rẽ sang một hướng khác chỉ trong một khoảnh khắc...".

Nghĩ rồi chị lao vào công việc. Ngay trong bước đầu tiên, chị đãthành công trong công trình nghiên cứu Tự động hóa quá trình đo phục vụ kiểm định và theo dõi trạng thái cơ học một số loại cầu với thiết bị đo biến dạng 20 kênh bằng strain gage chế tạo trong nước, cảm biến đo độ vọng và dao động, thiết bị lập phần mềm phân tích đánh giá tình trạng cầu. Các thiết bị này đã được thử nghiệm đo một số cầu đạt các mục tiêu về xác định trạng thái biến dạng, đo dao động để từ đó đánh giá chất lượng và dự báo tuổi thọ của các cầu.

UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Giao thông công chính đã chọn đề tài, tài trợ cho chị thực hiện dự án thử nghiệm lắp đặt mạng tự động đo biến dạng và dao động của cầu Sài Gòn, do đây là nơi các loại phương tiện vận tải qua lại thường xuyên 24/24 giờ mỗi ngày, mở đầu cho chương trình kiểm tra những chiếc cầu nhạy cảm của thành phố. Cuộc kiểm tra này đã được thực hiện từ tháng 8-2006 và dự tính kết thúc vào tháng 8-2008.

Hiện nay Phòng Thí nghiệm cơ học ứng dụng của chị có năng lực thực hiện về một số lĩnh vực như: đo kiểm định cầu, đo rung sàn của các công trình xây dựng, đo chấn động do nổ mìn khai thác đá, đo và theo dõi chẩn đoán tình trạng của máy móc trong quá trình vận hành. Ðặc biệt máy cân bằng động STAR 01 là máy cân bằng động ngang, hệ cứng (kéo đai) thích hợp cho các đối tượng cân bằng có yêu cầu tốc độ và độ chính xác cao, vận hành đơn giản qua màn hình LCD và bàn phím. Sản phẩm này đang được các nhà thầu xây dựng đánh giá là "Bao Công" trong thẩm định xây dựng.

Chị tâm sự: "Tôi nghĩ rằng, bao nhiêu hào quang cũng không bằng thấy con mình hạnh phúc. Hạnh phúc lớn nhất của tôi hiện nay là ngoài thời gian ở trường, về nhà lo chăm sóc cháu ngoại, tạo điều kiện cho cha mẹ cháu được yên tâm đi du học nước ngoài. Chính cha mẹ, ông bà là người góp phần đào tạo thế hệ trẻ, và ảnh hưởng tốt đẹp của gia đình là nền tảng để hình thành nên tâm hồn những con người có ích cho xã hội".

HOÀNG DŨNG HUỆ

No comments:

Post a Comment