Tuesday, April 7, 2009

Vệ sinh theo bánh con tàu quay!

Ngành đường sắt Việt Nam hiện đang quản lý 2.600km đường ray, nhưng đều là khổ hẹp 1m, chỉ phù hợp với... đầu máy hơi nước và toa xe cỡ nhỏ thời Pháp!

Người dân phải hứng chịu “rác” hằng ngày trước sân nhà

Hiện nay, do nhu cầu vận tải và đổi mới kỹ thuật, hầu hết đầu máy kéo diesel đều sử dụng loại công suất lớn để kéo các toa tàu có khối lượng lớn. Trong khi đó, bề rộng đường ray thì hẹp nên giống như chàng lực sĩ khổng lồ đi trên đôi chân khẳng khiu suy dinh dưỡng. Đứng trên quan điểm bảo vệ môi trường, cảnh quan đô thị của các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua, ngành đường sắt vẫn còn một vấn đề chưa có giải pháp là hệ thống thoát cho chất thải từ hành khách đi tàu (rác, phân, nước tiểu, nước thải ăn uống) vẫn xả trực tiếp xuống đường ray từ mấy chục năm nay.

Đầu tư phần ngọn

Thử làm một phép nhân

Một đôi tàu SE1 bao gồm 13 toa xe và 2 toa hành lý, hàng.

Một toa xe chứa được 72 người vé ngồi cứng và 60 người vé nằm.

72 người x 13 toa = 936 người.

936 người x 2 đôi = 1.872 người.

Điều kiện sinh lý của đồng hồ sinh học con người trong thời gian từ 29 giờ - 36 giờ phải đi tiêu, tiểu tối thiểu đâu chỉ một lần. Chúng ta có thể hình dung số lượng chất thải rơi xuống đường ray nhiều như thế nào!

Hiện nay, tốc độ của các đôi tàu Bắc - Nam SE1 hành trình tốt nhất mới chỉ đạt từ 29 giờ và cao nhất 36 giờ. Các dịp lễ tết, ngành đường sắt đã tăng chuyến, kéo thêm nhiều toa xe phục vụ hành khách, nhưng vẫn với vận tốc trung bình 59,5 km/giờ - kém xa tốc độ xe hơi và cả tốc độ tàu khách trên sông.

Về kinh tế, giá vé xe lửa hiện tại cao gần bằng giá vé máy bay giá rẻ cùng tuyến, cao bằng tàu thuỷ cao tốc và cao hơn nhiều so với giá vé ô tô trong khi đi xe lửa phải mất nhiều thời gian hơn các phương tiện khác.

Về an toàn, do tốc độ đã tăng cận giới hạn nguy hiểm nên thời gian vừa qua đã xảy ra vài vụ lật tàu gây chết người, thiệt hại tài sản, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Tất cả các nguyên nhân đều tập trung ở vấn đề duy nhất: đường ray khổ hẹp chỉ có 1m. Biện pháp đang làm của ngành đường sắt là gia cố đường bằng tà vẹt bê tông cốt thép dự ứng lực để tăng tốc 120km/giờ, nhưng do chạy trên đường ray khổ 1m nên lạc hậu vẫn hoàn lạc hậu! Không thể tăng tốc thêm vì đã giới hạn của tốc độ gần kề nguy hiểm.

Phương án ngành đường sắt đưa ra là sẽ đầu tư 30,8 tỉ USD để làm mới toàn bộ mạng lưới đường sắt cao tốc hai chiều riêng biệt theo tiêu chuẩn đường lồng quốc tế. Sau khi mở rộng kỹ thuật đồng bộ sẽ xoá bỏ toàn bộ đường sắt 1m.

Người dân kêu cứu!

Người viết đã gọi điện, liên hệ xin gặp lãnh đạo ngành đường sắt để tìm câu trả lời chính thức, nhưng tất cả đều được trả lời “bận họp, đi công tác, hẹn dịp khác”. Các trưởng ga, trưởng trạm đều có chung nhận xét: “Vấn đề vệ sinh theo bánh con tàu quay là một vấn đề lớn, cấp vĩ mô. Chúng tôi không được phép trả lời!”.

Quá trình vận chuyển của 3 đội tàu SE Bắc - Nam và 11 đôi tàu tăng chuyến cho các dịp lễ tết đã góp phần gây ô nhiễm. Ở các địa phương dọc theo đường tàu, lâu ngày đã hình thành nên những bãi rác dọc theo đường ray. Thực tế, đã có những đoạn bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng mà hành khách trên xe lửa phải thoa dầu, bịt mũi vì mùi xú uế bốc lên như đoạn Gò Vấp, Sóng Thần, Thủ Đức, Dĩ An, Chợ Đồn, Cù Lao Phố, Bảo Chánh, sông Hinh v.v...

Qua một thời gian dài cũng không phân huỷ kịp, chất thải cũ chưa hết thì chất thải mới đã thải xuống. Mạng lưới nhà ở, các hộ gia đình sinh sống dọc theo các tuyến đường sắt đã từng là nạn nhân của tiếng ồn, bụi khói và nay còn có nguy cơ chịu ảnh hưởng của sự ô nhiễm không khí. Môi trường sống đang bị thu hẹp dần. Chị H.T.P.T, 30 tuổi, bức xúc tâm sự: “Gia đình tôi có 7 người sống ở phường Bửu Hoà, Biên Hoà - Đồng Nai hơn 30 năm nay. Chồng và các con tôi chịu tiếng ồn của đầu máy toa xe, thường xuyên thức giấc, giấc ngủ không yên. Bên cạnh đó còn gặp tình trạng phân rác vứt xuống sân nhà. Việc dọn vệ sinh mỗi khi tàu đi qua đã là việc rất thường xuyên của gia đình tôi từ nhiều năm nay!”.

“Khoá cửa buồng vệ sinh”

Ống thoát chất thải thẳng xuống đường tàu

Ngành đường sắt đã áp dụng giải pháp là khoá các buồng vệ sinh mỗi khi tàu đi ngang khu nội ô của các thị xã, thành phố. Thế nhưng, ngoài các “phạm vi” trên và khu vực ga đậu thì hành khách cứ tự do “xả” thoải mái.

Người viết đã cùng các bạn sinh viên nước ngoài thực hiện một tour du lịch ngắn ngày Sài Gòn - Phan Thiết bằng đường sắt. Khi đi ngang qua các khu vực có giao lộ của các ga Gò Vấp, Phú Nhuận, một anh bạn sinh viên người Pháp chỉ một hành khách Việt Nam từ trong buồng vệ sinh của toa xe bước ra, nói: “Chính các anh đã làm ô nhiễm môi trường”. Anh ta tỏ vẻ khó chịu như khám phá ra một điều gì rất “mới”.

Ai đã từng một lần đi bộ dọc theo đường sắt chắc hẳn sẽ có cảm giác như đang đi dọc theo một nhà vệ sinh lớn, lộ thiên. Ngành đường sắt Việt Nam nghĩ gì khi Nhà nước đang phát động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh xanh - sạch - đẹp?

Hoàng Dũng Huệ

No comments:

Post a Comment