Saturday, April 11, 2009

Tiến sĩ bánh tráng


In

ImageLâu nay, nghề bánh tráng vẫn làm theo lối thủ công nên năng suất thấp và chất lượng không đồng đều. Có một người đã mang công nghệ mới "tráng bánh và sấy khô tự động, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và an toàn vệ sinh thực phẩm" đánh thức các làng nghề, đưa bánh tráng trở thành một sản phẩm xuất khẩu... Ông là PGS.TS. Trần Doãn Sơn (trường ĐH Bách Khoa TP.HCM), người được mệnh danh là "tiến sĩ bánh tráng"...

Mở đầu gặp khó khăn

Năm 1999 các công ty chế biến lương thực thực phẩm không đủ bánh tráng để giao hàng xuất khẩu nên đã đi thu gom hàng ở các cơ sở tư nhân nhằm thực hiện đúng hợp đồng xuất khẩu đi các nước. Kết quả, toàn bộ số hàng bánh tráng xuất khẩu của Việt Nam từ Mỹ đã bị "trả về" do không đạt độ đồng nhất của sản phẩm, bánh tráng có độ dày mỏng khác nhau, phần lớn không đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm vì bánh tráng được làm khô bằng cách phơi nắng theo hướng sản xuất thủ công.

Từ hiện trạng trên, PGS.TS. Trần Doãn Sơn - chủ nhiệm bộ môn chế tạo máy khoa cơ khí, Đại học Bách khoa TP.HCM đã mạnh dạn đăng ký cụm công trình nghiên cứu đổi mới công nghệ và thiết bị chế biến lương thực thực phẩm và nông sản Việt Nam. Trong đó có công trình nghiên cứu đổi mới và phát triển công nghệ sản xuất bánh tráng xuất khẩu, với nguồn kinh phí đề tài từ Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM

PGS.TS. Trần Doãn Sơn cho biết: Tháng 9/1999, trước sự chứng kiến của lãnh đạo thành phố và nhiều sở, banh ngành... dây chuyền sản xuất bánh tráng xuất khẩu được chạy thử ở xí nghiệp chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre, quận 11, TP.HCM. Kết quả, chỉ thành công ở máy tráng bánh còn máy sấy chưa thành công do chế độ nhiệt không đủ, vì thiếu kinh nghiệm về xử lý nhiệt nên bánh tráng chạy trên băng chuyền sản phẩm còn bị ướt.

Ngày đó, do thiết bị không có trên thị trường công nghệ mới nên phải hiệu chỉnh chế tạo nhiều lần, chạy thử nghiệm cùng thay đổi các bộ phận cho phù hợp. Hơn nữa kinh phí hạn hẹp, phải kiên trì nghiên cứu không nản lòng. Cuối cùng đến tháng 2.2001 mới hoàn thành chuyển giao công nghệ mới cho xí nghiệp hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Chuyển giao công nghệ

Trước thời gian thực hiện “công trình 1999”, công nghệ sản xuất bánh tráng xuất khẩu làm hoàn toàn thủ công. Trong đó phải kể đến hai công đoạn quan trọng là tráng bánh và sấy khô bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngày đó bánh tráng chưa có bộ chỉ tiêu kỹ thuật của sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế, vì vậy, bánh tráng ra dạng tròn từng chiếc một của phương pháp thủ công.

PGS.TS. Doãn Sơn đã mô tả công trình nghiên cứu được triển khai. Cụ thể là thay đổi phương án thiết kế, bánh được tráng ra dạng tấm liên tục và được trải tự động lên trên phần tráng theo băng chuyền tự động. Vân bánh được tạo do quá trình in dập hình học của bánh trên vân phên trong quá trình sấy khô thay vì phải đem phơi nắng từng bánh một theo phương pháp thủ công. Quá trình sấy khô được thực hiện liên tục trên máy sấy sau khi bánh được tráng hấp và trải tự động lên trên phên. Băng tải với tay máy gắp chuyển phên tự động sẽ vận chuyển phên sấy vào thiết bị sấy một hoặc nhiều tầng tùy quy mô sản xuất bánh. Nhờ đó mà sản phẩm ra đời được đồng nhất, đúng kích cỡ, độ dày mỏng tùy yêu cầu khách hàng, hoàn toàn hợp tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và xuất khẩu.

Từ thành công này, dây chuyền công nghệ sản xuất bánh tráng xuất khẩu đã được hợp đồng chuyển giao cho các công ty lương thực ở TP.HCM, công ty dịch vụ sản xuất nông lâm nghiệp Thừa Thiên - Huế, hợp tác xã sản xuất bánh tráng Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), doanh nghiệp tư nhân Sông Trà ở thị trấn Trà Cú (Trà Vinh)...

Một điều đáng tự hào là dây chuyền công nghệ bánh tráng này đã được chuyển giao cho một doanh nghiệp Việt kiều ở San Jose - Mỹ (chuyển giao 7 máy hồi tháng 3/2002) và hiện đang hợp đồng tiếp tục chuyển giao 12 máy mới trong năm 2008.

PGS.TS. Doãn Sơn tâm sự: “Từ đó đến nay, dân làng nghề sản xuất bánh tráng đã truyền miệng và tự phong cho tôi là tiến sĩ bánh tráng. Ngẫm nghĩ cuộc đời làm khoa học có danh xưng dân gian như vậy cũng vui...”.

No comments:

Post a Comment