Thời gian gần đây, nạn khai thác cát lậu trên sông Sài Gòn, Lòng Tàu, Đồng Nai đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, tạo nhiều hàm ếch làm sạt lở bờ và gây thay đổi dòng chảy... Hậu quả có liên quan gần đây nhất là khu vực bán đảo Thanh Đa với toàn bộ khu vực bờ trái dòng sông đã sụp đổ, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của...
Chính quyền địa phương đã cảnh báo treo bảng di dời, không đến gần khu vực nguy hiểm. UBND TP.HCM, rồi cả Thủ tướng Chính phủ đã ra lệnh cấm khai thác cát trái phép, nhưng tình trạng khai thác lậu vẫn không giảm. Đâu là giải pháp cho vấn đề này?
Theo dấu chân "sa tặc"
Những người dân ở xã Phú Hoà Đông (Củ Chi) đang từng ngày từng giờ đối mặt với "sa tặc" vì chỉ cần lơ là một chút là toàn bộ đất vườn, đất nhà sẽ sạt lở, nguy cơ trắng tay là chuyện có thật. Những chiếc vòi "bạch tuộc" có công suất lớn đã len lỏi thâm nhập vào từng ngõ ngách để bơm, hút cát, sẵn sàng rình rập để thọc ống bơm đến tận cửa nhà dân để lấy trộm cát. Đội quân khai thác cát lậu tung hoành nhiều nơi trên sông Sài Gòn, đoạn chảy qua xã Phú Mỹ Hưng, An Phú, Nhuận Đức.
Trước đây, "sa tặc" làm việc ban đêm, nhưng nay lại lộng hành ngang nhiên chuyển sang hút cả ban ngày với số lượng cả chục chiếc ghe, tàu với sức chứa 150m3. Đội quân này tập trung khai thác nhiều nhất ở đoạn Ấp Cỏ, xã Phú Hoà Đông. Những chiếc ghe, tàu trông rất cũ kỹ, nhiều chiếc không thấy biển số, hai bên mạn tàu cặp nhiều ống nhựa lớn. Cách bờ những 500 - 600 mét, các ống nhựa này được thả xuống sông bắt đầu sục hút cát hết công suất liên tục suốt 2 tiếng đồng hồ liền.
Việc chuyển cát được thực hiện một cách chuyên nghiệp. Khi cát đã đầy ghe lớn thì di chuyển đến các bãi cát để tập trung cho xà lan và gàu múc cát nằm ở đó không xa. Khi các cẩu lớn đã ngoạm hết cát thì ghe lớn lại tiếp tục trở lại dòng sông. Trong hơn 10 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã đếm được có 5 ghe lớn cặp bãi. Nếu tính trung bình mỗi chiếc chuyển tải 100m3 cát thì mỗi ngày đã có khoảng 500m3 bị hút trộm. Đây là loại cát vàng tốt có giá 65.000/m3. Đội quân ghe tàu này thường mang biển số ở các tỉnh, tập trung về Phú Hoà Đông khai thác với quy mô lớn và rất chặt chẽ với hệ thống máy móc, xe tải vận chuyển...
Anh T.H.V., 53 tuổi, cư ngụ ở ấp Cỏ, xã Phú Hoà Đông, Củ Chi cho biết: "Gia đình tôi phải cắt cử người ra canh chừng các chiếc ghe hút cát, mỗi khi nghe tiếng máy nổ lớn là biết "nó" đã ở gần nhà mình. Cái vòi hút của nó rất mạnh có thể làm sập nhà cửa, sạt lở đất. Không để ý đám "sa tặc" này là sạt nghiệp, trắng tay và mất nhà ở như chơi".
Bùn cát chảy về đâu?
Các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường ở nội thành TP.HCM đã di dời ra ngoại thành như Khu công nghiệp Tân Phú Trung - một khu công nghiệp mới của huyện Củ Chi. Đây là một vùng thấp, đất trũng không có chân, nền móng nên khi xây dựng rất cần cát bùn để làm nền móng. Chính nhu cầu này đã làm thay đổi đội quân sa tặc hút cát riêng lẻ. Họ đã tập trung về đây để đặt ống bơm hút cát từ sông, kênh đổ vào sân bãi doanh nghiệp. Chi phí được tính theo mét khối cho mỗi diện tích được hợp đồng. Khi nạn sa tặc làm cho cát tại xã Phú Hòa Đông cạn kiệt, các vòi "bạch tuộc" của sa tặc lại di chuyển sang xã Tân Phú Trung để tiếp tục khai thác...
Các địa bàn ven sông như cù lao Long Phước, quận 9, TP.HCM cũng chịu chung số phận. Nhiều xà lan, xáng cạp múc cát từ sông Đồng Nai và sông Vàm Tắc đem đi tiêu thụ với khối lượng hàng ngàn mét khối mỗi ngày. Nhiều vựa cát lại mọc lên ven hai tuyến sông để phục vụ việc tiêu thụ cát tại chỗ từ ghe xuồng cát mang lên.
Các giai đoạn khai thác cát lậu
Giai đoạn 1: Chủ cát làm hợp đồng với doanh nghiệp có nhu cầu san lấp mặt bằng ở khu công nghiệp Tân Phú Trung, Củ Chi. Thống nhất địa điểm, ngày giờ, đơn giá tiền theo mét khối.
Giai đoạn 2: Các ghe xuồng có công suất lớn tập trung. Các ống bơm lớn để sục bơm cát dưới sông, nhằm làm vỡ những mảng lớn đất nền cát (cát bùn) hoặc cát pha sét có lớp dính khi khô.
Giai đoạn 3: Lắp đặt các đường ống từ máy bơm của các ghe, xuồng bơm hút cát bằng các giá đỡ ống dẫn (dấu X) được nối vào nền đất của các doanh nghiệp.
Giai đoạn 4: Bơm nước sông vào nền móng, sau khi đã lấp đầy bùn sét, bùn cát, tạo sự kết dính cho nền móng.
Hoàng Dũng Huệ
"Uỷ ban Nhân dân TP.HCM và Thủ tướng Chính phủ đã ký nghị định 150 xử lý các vi phạm về khai thác các tài nguyên khoáng sản. Tuy nhiên, do lực lượng quản lý của uỷ ban, công an các xã trên địa bàn ven sông Sài Gòn còn rất mỏng nên tình trạng lén lút khai thác cát lậu vẫn xảy ra. Mức xử phạt còn thấp, nhân dân những vùng bên bờ sông Sài Gòn bức xúc, phản ảnh là đúng. Cần thu giữ phương tiện, xử lý kịp thời mới mong ngăn chặn và chấm dứt dần nạn khai thác cát trái phép".
Ông Nguyễn Văn Ngà, trưởng Phòng quản lý tài nguyên nước và khoáng sản, Sở Tài nguyên - môi trường TP. HCM
No comments:
Post a Comment